
Đồng phục thẩm mỹ – Giữa những biểu tượng quen thuộc, đâu là ranh giới giữa hoài niệm và sáng tạo?
Khi biểu tượng bản địa bị tiêu dùng như công thức thị giác – thẩm mỹ có còn là biểu hiện của tinh thần ?
Có một vẻ đẹp quen thuôc đang hiện diện ở khắp nơi – trong ánh sáng vàng vương trên tường đất nung, tiếng quạt trần xoay chậm, tiếng bước chân chạm nền gạch bông, nhà tranh, vách nứa…. Nó khiến người ta dịu lại, thấy mình thuộc về một điều gì đó cũ hơn, yên hơn. Nhưng cũng chính lúc ấy, trong sự quen thuộc quá dễ chịu, một câu hỏi hiện lên lặng lẽ: Liệu chúng ta có đang đi mãi trên một lối mòn đã từng đúng?
Không thể phủ nhận sức quyến rũ của phong cách thẩm mỹ quen thuộc: sự pha trộn giữa pháp thuộc – bản địa – mộc mạc, thường được gọi gọn là “phong cách Đông Dương”. Đặc trưng của lối thiết kế này là vật liệu tự nhiên (tre, gỗ, gạch nung), tone màu đất, họa tiết thổ cẩm, mái ngói cong, kết hợp với ánh sáng vàng và lối bố trí đối xứng, mềm mại. Nó là sự hòa giải giữa quá khứ và hiện tại, giữa chất liệu thô mộc và tiện nghi đương đại. Nhưng cũng như mọi xu hướng khi được nhân rộng, có lúc nó không còn là lựa chọn sáng tạo, mà trở thành khuôn mẫu vô hình. Khi mọi quán cà phê đều tre nứa và gạch bông, khi các khách sạn vùng cao và vùng biển đều dùng chung bảng màu đất nung và rêu phong, và lại nón lá đốt tre …có lẽ đã đến lúc ta cần tạm dừng.
Phong cách này, khi xuất hiện ban đầu, là một giải pháp hài hòa giữa ký ức văn hóa và nhu cầu hiện đại hóa. Nó dễ chạm vào cảm xúc người Việt, đồng thời đủ “exotic” để thu hút khách quốc tế. InterContinental Danang, The Anam, Azerai La Residence, hay Six Senses đều là những ví dụ thành công cho thấy sự lan tỏa của mô hình này.
(ảnh chỉ có tính chất minh họa, sưu tầm internet)
Suốt hai thập kỷ, xu hướng nội thất “Đông Dương – bản địa – mộc mạc” đã được nhân bản như một công thức thiết kế an toàn. Nó không sai, nhưng đang trở nên mệt mỏi. Một hình ảnh “bản địa” được sản xuất để phục vụ hoài niệm, tái xuất đồng loạt ở mọi vùng miền, từ cao nguyên đến duyên hải, tạo ra một dạng “đồng phục thẩm mỹ”. Vẻ đẹp ấy dừng lại ở sự gợi nhớ – Không gian trở nên an toàn và nghèo trải nghiệm – cho cả du khách quốc tế lẫn người Việt trung lưu mới – nơi văn hóa bị đóng khung thành mỹ học dễ tiêu thụ.
Tình trạng này không chỉ phản ánh sự thiếu đa dạng thẩm mỹ, mà còn làm chậm lại khả năng tiến hóa bản sắc. Khi bản địa bị làm phẳng thành biểu tượng – từ mái ngói giả cổ, gạch bông, đến mùi thơm sả chanh – thì “thiết kế” chỉ còn là dàn dựng. Nó khiến vùng miền mất giọng, và tương lai mất hình.
Câu hỏi đặt ra không phải là từ bỏ bản địa, mà là: Chúng ta đang lắng nghe bản sắc, hay đang tái sử dụng ký ức như một công cụ thị giác?
Phải chăng!
Thiết kế, sau cùng, không phải để sao chép cảm xúc – mà để tạo ra trải nghiệm???
Một số thực hành hiện nay đang âm thầm dò lại bản đồ thẩm mỹ Việt bằng cách tiếp cận linh hoạt hơn. Thay vì “tái hiện bản sắc”, họ đặt lại câu hỏi: điều gì thực sự tạo nên cảm thức Việt Nam trong không gian sống? Phải chăng đó là ánh sáng dịu đi qua lớp mái hiên sâu? Là nhịp điệu không gian chậm rãi, tĩnh tại? Là sự thân quen không đến từ hình ảnh cụ thể, mà từ cách vật liệu chạm vào xúc cảm?
Và ở chiều ngược lại, cũng cần nhìn nhận những dự án quốc tế đã bước vào địa hạt văn hóa Việt bằng sự khiêm nhường và tinh tế đáng kể. Legacy Yên Tử – một trong những công trình sâu sắc nhất của Bill Bensley – là minh chứng sống động cho cách một nhà thiết kế ngoại quốc có thể tiếp cận bản sắc Việt Nam không bằng biểu tượng, mà bằng trí tưởng tượng cộng hưởng với chiều sâu văn hóa. Thay vì tái lập hình ảnh cổ truyền một cách bề mặt, Bensley cùng đội ngũ đã kiến tạo một thế giới hư cấu đầy triết tính, nơi tôn giáo, thủ công, triều đại Trần và tinh thần thiền học Yên Tử hội tụ trong một ngôn ngữ thiết kế mới. Không “thuần Việt” theo nghĩa cũ, nhưng rất Việt theo nghĩa cảm – một Việt Nam như được tưởng tượng lại từ chính nội lực của nó- đây là 1 phần cốt lõi của vấn đề.
Bản sắc, như tự nhiên, không đứng yên – mà thích nghi và tiến hóa. Thẩm mỹ cũng vậy. Khi thiết kế không còn là bản sao của quá khứ, mà là cuộc đối thoại lặng lẽ với hiện tại và tương lai, chúng ta sẽ thấy xuất hiện một hình thái mới của yếu tố bản địa – ít hoài cổ hơn, nhiều suy tư hơn. Một vẻ đẹp không còn nằm ở chỗ “trông giống bản địa”, mà ở chỗ “chạm được vào điều khiến người ta nhận ra: có những yếu tố bản địa đang sống, đang nghĩ, đang chuyển mình".
NNH biên soạn
Để lại một bình luận